Lịch sử hoạt động McDonnell_Douglas_F-15_Eagle

Quốc gia sử dụng loại F-15 lớn nhất là Không lực Hoa Kỳ.

F-15D thuộc Phi đội Chiến đấu 325 có căn cứ tại Tyndall AFB, đang thả pháo sáng

Các phiên bản F-15A và B đã được Israel sử dụng trong chiến dịch Thung lũng Bekaa.

Các phiên bản F-15C, D, và E đã được triển khai tại Vịnh Péc-xích năm 1991 hỗ trợ cho Chiến dịch Bão táp Sa mạc, tại đây chúng đã giành được tổng cộng 36 tới 39 chiến công trong không chiến. Những chiếc F-15E chủ yếu hoạt động ban đêm để săn lùng các bệ phóng tên lửa SCUD và các trận địa pháo bằng hệ thống LANTIRN.

Từ đó chúng đã được triển khai để hỗ trợ Chiến dịch Giám sát phía Nam, tuần tra Vùng cấm bay ở phía nam Iraq; Chiến dịch Provide Comfort tại Thổ Nhĩ Kỳ; hỗ trợ cho các chiến dịch của NATO tại Bosnia, và những cuộc triển khai lực lượng viễn chinh của không quân gần đây.

Tỷ lệ tai nạn của F-15 bắt đầu tăng cao gần đây do tình trạng máy bay lão hóa như hiện tượng kim loại bị mòn với hàng loạt các vấn đề khác về cấu trúc và bảo trì cùng các bộ phận lỗi thời, gây ảnh hưởng đến sự an toàn cho các phi công điều khiển chúng.

Thành tích

Tới năm 2005, F-15 thuộc mọi lực lượng không quân đã có thành tích tiêu diệt nhiều máy bay trong các trận không chiến (được tuyên bố bởi các bên sử dụng nó, ngoại trừ trường hợp một chiếc F-15J của Nhật Bản bắn rơi một chiếc F-15J khác năm 1995 vì một tên lửa AIM-9 Sidewinder hoạt động không chuẩn xác trong một cuộc huấn luyện không chiến sử dụng đạn thật).[8][9] Tới thời điểm 2005, các phiên bản giành ưu thế trên không của F-15 (các phiên bản F-15A/B/C/D) của Hoa Kỳ và Israel được họ tuyên bố chưa từng bị đối thủ nào bắn hạ. Tuy nhiên, theo tuyên bố của các đối thủ của Mỹ và Israel thì đã có một số chiếc F-15 bị bắn hạ. Không quân Syria tuyên bố có 3 chiếc F-15 của Israel đã bị MiG-23 của họ bắn hạ và thêm 2 chiếc khác bị MiG-21 bắn hạ vào năm 1982. Không quân Israel thì xác nhận có ít nhất 1 chiếc F-15 bị hư hại do trúng tên lửa từ MiG-21 vào ngày 9/6/1982, quả tên lửa đã phá tan một động cơ của chiếc F-15 nhưng nó vẫn cố hạ cánh về sân bay bằng động cơ còn lại trước khi bị ngọn lửa bao trùm.[10] Không quân Syria cũng tuyên bố đã bắn hạ 1 chiếc F-15 khác bằng MiG-25 của họ vào ngày 29/7/1981[11]

Hơn một nửa những chiến công của F-15 thuộc các phi công Không quân Israel. Chiến công đầu tiên của F-15 thuộc phi công xuất sắc người Israel Moshe Melnik năm 1979.[cần dẫn nguồn] Năm 1979–81, trong những cuộc tranh chấp biên giới giữa Israel và Liban, Israel tuyên bố những chiếc F-15A của họ đã bắn hạ 13 chiếc MiG-21 "Fishbeds" và 2 chiếc MiG-25 "Foxbats" của Syria, hai chiếc sau là đối thủ thiết kế của F-15. Trong cuộc Chiến tranh Liban năm 1982, những chiếc F-15 của Israel được tuyên bố đã bắn hạ 40 chiếc máy bay phản lực của Syria (23 MiG-21 "Fishbeds" và 17 MiG-23 "Floggers") và một máy bay trực thăng Gazelle SA.342L của Syria.

Các phi công F-15C của Không quân Hoàng gia Ả Rập Xê Út đã bắn hạ hai chiếc F-4E Phantom II thuộc Không quân Iran trong cuộc tranh chấp biên giới tháng 6 năm 1984, và bắn hạ hai chiếc Mirage F1 của Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh.[cần dẫn nguồn]

Theo Không quân Mỹ tuyên bố, những chếc F-15C của họ đã có 34 chiến thắng được xác nhận trước những chiếc máy bay của Iraq trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, chủ yếu bằng tên lửa: 5 chiếc MiG-29 "Fulcrums," 2 chiếc MiG-25 "Foxbats," 8 chiếc MiG-23 "Floggers," 2 chiếc MiG-21 "Fishbeds," 2 chiếc Su-25 "Frogfoots", 4 chiếc Su-22 "Fitters", 1 chiếc Su-7, 6 chiếc Mirage F1, 1 chiếc máy bay vận tải Il-76, 1 chiếc Pilatus PC-9 huấn luyện, và 2 chiếc trực thăng Mi-8. Sau khi đã giành được ưu thế trên không sau ba ngày đầu chiến đấu, nhiều chiến công sau này diễn ra trước những chiếc máy bay được cho là đang bỏ chạy sang Iran, chứ không phải cất cánh để tham chiến với các máy bay Mỹ. Chiếc F-15C một chỗ ngồi đã được dùng để giành ưu thế trên không, còn chiếc F-15E được sử dụng nhiều vào những cuộc tấn công không đối đất. Một chiếc F-15E đã bắn hạ một máy bay trực thăng Mi-8 của Iraq đang sử dụng một quả bom dẫn đường laser. F-15E hai lần bị bắn hạ vì hỏa lực mặt đất trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.[12]

Năm 1994, hai chiếc UH-60 Black Hawk của Quân đội Mỹ đã bị những chiếc F-15C của Không quân bắn hạ tại vùng cấm bay ở Iraq trong một vụ bắn nhầm.[13]

Những chiếc F-15C của Không quân Mỹ cũng đã bắn hạ 4 chiếc MiG-29 của Nam Tư trong Chiến dịch Lực lượng Đồng minh can thiệp vào Kosovo của NATO năm 1999.[12]

Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991

USAF bắt đầu triển khai các máy bay biến thể F-15C, D và E tới Vùng Vịnh Ba Tư vào tháng 8 năm 1990 cho Chiến dịch Lá chắn Sa Mạc và Bão táp sa mạc. Trong Chiến tranh Vùng Vịnh chống lại lực lượng Iraq, chiếc F-15 chiếm 36 trong số 39 chiến thắng trên không của Không quân Hoa Kỳ. Iraq đã xác nhận mất 23 chiếc máy bay của mình trong không chiến không đối không.[14] Các máy bay chiến đấu biến thể F-15C và D được sử dụng trong vai trò ưu thế trên không, trong khi biến thể F-15E Strike Eagles được sử dụng trong các cuộc tấn công không đối đất vào ban đêm, phá hủy các bệ phóng tên lửa Scud và các đội pháo binh cải tiến sử dụng hệ thống LANTIRN.[15] Theo Không quân Hoa Kỳ, F-15C của họ đã có 34 lần tiêu diệt (được xác nhận) máy bay của Iraq trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, phần lớn là bằng tên lửa: Năm chiếc Mikoyan MiG-29, hai chiếc Mikoyan MiG-25, tám chiếc Mikoyan MiG-23, hai chiếc máy bay MiG-21, hai chiếc Sukhoi Su-25, bốn chiếc Sukhoi Su-22, một chiếc máy bay Sukhoi Su-7, sáu chiếc Dassault Mirage F1, một chiếc Ilyushin Il-76 máy bay chở hàng, một chiếc Pilatus PC-9, và hai chiếc máy bay trực thăng Mil Mi-8. Sự ưu việt về không chiến chủ yếu đạt được trong ba ngày đầu tiên của cuộc xung độ. Một chiếc Strike Eagle đã tiêu diệt được một chiếc trực thăng Mi-8 của Iraq với một quả bom dẫn đường bằng laser thay vì bằng tên lửa. Hai chiếc F-15E đã bị hư hỏng bởi hỏa lực phòng không, một chiếc khác bị hư hỏng trên mặt đất bởi một cuộc tấn công bằng tên lửa Scud trên căn cứ không quân King Abdulaziz.[16]

Trong trận Không chiến Samurra (30/1/1991), 2 chiếc MiG-25 của Iraq đã tiếp cận 2 chiếc F-15C của Không quân Mỹ và bắn tên lửa. 1 chiếc F-15C bị trúng tên lửa, phía Iraq tuyên bố chiếc F-15 này đã bị bắn hạ[17], nhưng nguồn của Mỹ thì cho biết chiếc F-15C bị hư hại nặng (cháy 1 động cơ) nhưng không rơi. Sau đó, 2 chiếc MiG-25 đã sử dụng tốc độ bỏ xa những chiếc tiêm kích của Mỹ, 2 chiếc F-15 khác cũng đã tham gia truy đuổi những chiếc MIG-25, tổng cộng đã có 10 tên lửa không đối không bắn vào 2 chiếc MiG-25, nhưng không quả nào bắn trúng MiG-25.[18]

Ngày 11 tháng 11 năm 1990, một phi công của Không quân Hoàng gia Ả Rập Xê Út (RSAF) đã đào thoát khỏi Sudan với một chiến đấu cơ F-15C trong Chiến dịch Lá chắn Sa mạc. Ả Rập Xê Út sau đó đã trả 40 triệu đô la Mỹ cho việc chuộc lại máy bay ba tháng sau đó.[19] Một chiếc F-15 của Không quân Hoàng gia Ả Rập bắn hạ hai chiếc Mirage F1 của Iraq trong chiến dịch Bão táp Sa Mạc. Theo Ả Rập Xê Út, một chiếc F-15C của họ đã bị mất trong một cuộc đụng độ trong Chiến tranh Vùng Vịnh vào năm 1991. Không quân Iraq khẳng định chiếc máy bay chiến đấu này là một trong hai chiếc F-15C đã đụng độ với hai chiếc MiG-25PD của Iraq, chiếc F-15 đã bị bắn trúng bởi tên lửa R-40 của MiG-25 trước khi rơi xuống.[20]

Diệt vệ tinh

Thử nghiệm phóng ASM-135.

Từ tháng 1 năm 1984 tới tháng 9 năm 1986, một chiếc F-15A đã được dùng làm bệ phóng cho năm tên lửa ASM-135 ASAT. Chiếc F-15A đạt tốc độ Mach 1.22, 3.8 g góc lên 65° và phóng tên lửa ASAT ở độ cao 38.100 feet (11.6 km). Máy tính của F-15A được nâng cấp để điều khiển vọt lên và phóng tên lửa. Chuyến bay thử nghiệm thứ ba có mục tiêu là một vệ tinh viễn thông đã ngừng hoạt động ở quỹ đạo 345 dặm (555 km), và đã tiêu diệt thành công bằng năng lượng động lực vuông góc. Viên phi công, Thiếu tá Wilbert D. "Doug" Pearson thuộc Không lực Hoa Kỳ, đã trở thành phi công duy nhất tiêu diệt một vệ tinh.[21][22]

Tên lửa ASAT được thiết kế để trở thành một vũ khí chống vệ tinh tầm xa, và F-15A là phương tiện thực hiện giai đoạn đầu tiên. Liên Xô có thể xác định một vụ phóng tên lửa của Hoa Kỳ khi mất một vệ tinh do thám, nhưng một chiếc F-15 mang theo một tên lửa ASAT có thể lẫn mất trong hàng trăm những cuộc xuất kích khác của F-15.

Lỗi cấu trúc thân

Tất cả các máy bay F-15 trong Không Quân Mỹ đều bị ngưng bay sau khi một chiếc F-15C của đội Không quân Phòng vệ quốc gia bang Missouri bị vỡ đôi và rơi ngày 2 tháng 11 năm 2007. Báo cáo điều tra tai nạn của Không quân Mỹ ngày 28 tháng 11 năm 2007 cho biết hệ thống sóng dọc liên kết thân máy bay với buồng lái, ống hút gió là nguyên nhân gây vỡ thân máy bay.Các máy bay F-15 từ phiên bản A-D đều bị ngừng bay để kiểm tra. Việc này gây sức ép không nhỏ đến hoạt động tuần tra trên không. Một số bang phải dùng tới các máy bay chiến đấu khác và toàn vùng Alaska phải nhờ hỗ trợ từ Không Quân Canada.Ngày 8 tháng 1 năm 2008, Bộ tư lệnh Không quân Tác chiến (ACC) đã dỡ bỏ lệnh ngừng bay và vẫn áp dụng một số hạn chế bay vì có 9 trường hợp gặp vấn đề về sóng dọc tương tự nên các máy bay F-15 cần được kiểm tra kỹ và sửa chữa khắc phục. Lúc này Tướng John D.W.Corley nói rằng "Tương lai của F-15 đang được nghi vấn". Tuy nhiên, đến 15 tháng 2 năm 2008, việc cấm bay và kiểm tra được dỡ bỏ hoàn toàn, F-15A/B/C/D được hoàn toàn cất cánh bay trở lại.

Tương lai

Phiên bản F-15C/D trong Không quân Mỹ được dự định thay thế bằng loại F-22 Raptor. Tuy nhiên, F-22 lại quá đắt đỏ và số lượng chế tạo chỉ có 187 chiếc, quá ít để thay thế toàn bộ số F-15. Do vậy, chiếc F-15E vẫn sẽ còn hoạt động trong nhiều năm tới bởi vai trò không đối đất riêng biệt cũng như thời gian bay của thân máy bay còn thấp. 18 chiếc F-15C của Không quân Hoa Kỳ đã được trang bị radar Quét Mạng Điện tử Chủ động (AESA) AN/APG-63(V)2 và được dự định hoạt động tiếp trong Không quân Mỹ tới sau năm 2020. Không quân Hoàng gia Ả Rập Xê Út đã mua nhiều phi đội F-15S tầm xa, Hàn Quốc đang mua những chiếc F-15K phiên bản cải tiến, và Singapore đang mua biến thể F-15SG.

Đang có cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ liên quan tới việc có nên hiện đại hoá F-15 hay cho nghỉ hưu. Điều này một phần vì chi phí F-22 Raptor thay thế cho F-15 với tỷ lệ 1/1 sẽ là quá lớn (có lẽ chỉ ở tỷ lệ 1/3). Vì thế F-15 có thể được giữ lại với vai trò hỗ trợ để Không quân Mỹ không gặp nhiều bất lợi trong những cuộc xung đột trong tương lai. Những cải tiến như vậy có thể sẽ gồm radar AESA, Hệ thống xử lý tín hiệu trên mũ bay (JHMCS), các cải tiến giảm phản hồi radar, hay thay động cơ điều chỉnh hướng phụt.

Ngày 26 tháng 9 năm 2006, tại cuộc Triển lãm Air Force Association's Air & Space Conference and Technology Exposition tại Washington D.C., Không quân Mỹ đã thông báo kế hoạch nâng cấp 178 chiếc F-15C của họ với radar AESA AN/APG-63(V)3. Ngoài ra, Không quân cũng dự định nâng cấp những chiếc F-15 với JHMCS.[23] Không quân sẽ giữ lại 178 chiếc F-15C cùng 224 chiếc F-15E cho tới năm 2025.[24]

Ả Rập Xê Út cũng đặt mua F-15 Silent Eagle (F-15SE) do Tập đoàn Boeing chế tạo với trị giá 30 tỷ USD. Quốc gia này cũng đã tuyên bố kế hoạch mua vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự của Mỹ với tổng trị giá lên tới 60 tỷ USD.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: McDonnell_Douglas_F-15_Eagle http://www.1stfighter.com/history/1991.html#prof http://www.airforce-magazine.com/MagazineArchive/P... http://www.airtoaircombat.com/background.asp?id=11... http://www.boeing.com/history/mdc/eagle.htm http://www.cnn.com/2007/US/11/05/f15.grounding/ http://www.defense-aerospace.com/dae/articles/comm... http://www.flightglobal.com/articles/2007/11/13/21... http://www.janes.com/products/janes/defence-securi... http://www.lockheedmartin.com/wms/findPage.do?dsp=... http://www.spacewar.com/reports/Air_Force_Will_Get...